
Reuters dẫn số liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho biết, tổng doanh số ô tô tại Trung Quốc trong tháng 6/2025 đạt 2,1 triệu chiếc, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với mức 13,9% ghi nhận trong tháng 5. Trong nửa đầu năm 2025, lượng xe bán ra đạt 11,1 triệu chiếc, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xe điện và xe xăng lai điện (hybrid) tiếp tục chiếm ưu thế khi đạt tỷ trọng 52,7% tổng doanh số trong tháng 6. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với mức 28,2% ghi nhận trong tháng 5. Giới phân tích dự báo tỷ lệ xe điện sẽ duy trì ở mức trên 50% trong suốt năm 2025 và có thể chạm mốc 70% vào năm 2030.
Đằng sau những con số tăng trưởng vượt bậc là một chiến lược phát triển bài bản và đồng bộ, được Trung Quốc triển khai trong suốt hơn một thập kỷ qua. Ba yếu tố cốt lõi giúp quốc gia này vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi xe điện bao gồm: định hướng chính sách nhất quán và dài hạn, năng lực sản xuất nội địa quy mô lớn và vai trò chủ động của chính quyền địa phương trong thúc đẩy công nghiệp hóa ngành ô tô xanh.
Trung Quốc khởi động chương trình hỗ trợ xe điện từ rất sớm với các gói trợ giá trực tiếp, miễn thuế, ưu đãi đổi xe cũ lấy xe mới và hỗ trợ phát triển hạ tầng sạc. Khi thị trường dần trưởng thành, các chính sách được điều chỉnh linh hoạt để duy trì sức tiêu dùng trong nước, đồng thời chuyển dần trọng tâm sang thúc đẩy cạnh tranh công nghệ và mở rộng xuất khẩu.
Bên cạnh chính sách, năng lực sản xuất cũng là lợi thế nổi bật. Các tập đoàn như BYD, CATL hay NIO kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi giá trị xe điện, từ pin, phần mềm, linh kiện đến lắp ráp hoàn chỉnh. Việc tự chủ công nghệ giúp doanh nghiệp Trung Quốc giảm chi phí, cải thiện tốc độ đổi mới và duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, chính quyền địa phương đóng vai trò không nhỏ trong việc hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi. Nhiều thành phố như Hợp Phì, Kim Hoa hay Quảng Châu không chỉ đầu tư vào hạ tầng mà còn chủ động rót vốn vào doanh nghiệp, quy hoạch các khu công nghiệp sản xuất xe điện chuyên biệt và thúc đẩy ứng dụng xe xanh trong giao thông đô thị.
Xét về mức độ phổ biến của xe điện, Na Uy vẫn giữ vị trí dẫn đầu tuyệt đối khi xe điện chiếm gần 90% doanh số xe mới tại quốc gia Bắc Âu này. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện quy mô và sức ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc mới là quốc gia đang nắm giữ vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh.
Năm 2024, Trung Quốc tiêu thụ gần 13 triệu xe điện và xe xăng lai điện, chiếm khoảng 62% thị phần xe điện toàn cầu. Quốc gia này cũng sản xuất hơn 70% xe điện và 80% pin lithium-ion trên thế giới. Các hãng như BYD, NIO, Xpeng hay Geely không chỉ thống lĩnh thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nam Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông.
Với năng lực sản xuất mạnh mẽ và tham vọng vươn ra toàn cầu, Trung Quốc không chỉ đang tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi xe điện trong nước mà còn đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển của ngành ô tô thế giới trong tương lai.
Theo Báo Tin tức và Dân tộc